Visual merchandising đóng vai trò quan trọng khi trở thành “mặt tiền” của thương hiệu và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng.
Trong một thị trường nơi sự cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt, các nhãn hàng và sản phẩm luôn muốn mình khác biệt và nổi bật nhất có thể, dù đó là mì ăn liền hay một bộ quần áo hàng hiệu. Visual merchandising (Trưng bày sản phẩm), vì vậy, đóng một vai trò quan trọng khi trở thành “mặt tiền” của thương hiệu và nhãn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Thu hút khách hàng vãng lai
Các thương hiệu luôn đau đầu tìm cách thu hút khách hàng mới hay khách vãng lai và không thể phủ nhận rằng trưng bày sản phẩm bắt mắt là một giải pháp cho vấn đề này. Trước khi bàn tới những chính sách bán hàng hay ưu đãi cho người mua hàng, hãy nói tới sức hấp dẫn về mặt lý tính. Những mặt tiền và cửa sổ trưng bày đẹp là cách mà các thương hiệu tạo ấn tượng đầu tiên với khách hàng mới và kéo họ bước vào trong cửa hàng. Canifa là một ví dụ khi tất cả các cửa hàng đều rực rỡ sắc đỏ trên tấm biển lớn ở những con phố rộng rãi và đông người qua lại. Khó có thể không ngoái lại nhìn những bộ quần áo hợp thời sau cửa kính sáng choang của Canifa, và nếu dư thời gian, chắc hẳn người ta sẽ không cưỡng nổi vẻ hào nhoáng của cửa hàng và sự tò mò của chính mình để bước vào trong đó.
Nhưng đẹp thôi liệu đã đủ? Với con số 75% ngân sách chi tiêu của mỗi gia đình ở Anh trong dịp Giáng Sinh được sử dụng để mua quà tặng, có thể thấy nhu cầu này rất lớn. Các thương hiệu đã nắm bắt insight này và trưng bày sản phẩm cùng hộp quà ở các cửa kính để chạm vào tâm lý người tiêu dùng. Một visual merchandising hiệu quả cần phải mang đúng sản phẩm cũng như cảm xúc đến với đúng người tiêu dùng vào đúng thời điểm.
Thúc đẩy hành vi mua hàng bộc phát
Thông thường, người tiêu dùng phải trải qua nhiều bước trong quá trình mua hàng trước khi quyết định mua sản phẩm hay dịch vụ. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào họ cũng mua thứ mình cần. Hành vi mua hàng bộc phát là việc ra quyết định mua sắm mà không suy nghĩ quá nhiều đến nhu cầu, giá cả hay sự tiện dụng. Bên cạnh những yếu tố chủ quan thì VM cũng là một yếu tố khách quan thúc đẩy hành vi này. Bài trí đẹp, thu hút cùng cách sắp xếp gọn gàng, có định hướng rõ ràng để khách hàng dễ dàng tìm kiếm khu vực/loại hình và tạo ấn tượng mạnh về sự hiện diện của sản phẩm chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng rút ví.
Những tấm poster được lặp lại trên các cửa sổ trưng bày trong mùa giảm giá
Điểm nhấn thương hiệu
Khi nhà bán lẻ ngày càng nhận thức được rằng không chỉ sản phẩm mà cả trải nghiệm và sự tiện lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình mua hàng cũng như việc xây dựng thương hiệu thì VM lại càng thể hiện được vai trò của mình. Trái với nhầm tưởng của nhiều người rằng visual merchandising chỉ là hình thức bên ngoài của cửa hàng hay hẹp hơn là cửa sổ trưng bày, thì visual merchandising là một khái niệm rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm nội thất bên ngoài và bên trong cửa hàng cùng cách bài trí sản phẩm và các POSM. Đây là mảnh đất để các thương hiệu thể hiện cá tính và thông điệp của mình đến người tiêu dùng. Phụ thuộc vào chiến lược trong ngắn hạn hay dài hạn, các thương hiệu có thể thiết kế visual merchandising phù hợp và đẩy mạnh nhận diện thương hiệu.
Với chiến lược Connected World trong ngắn hạn, ý tưởng của O2 là nâng tầm showroom O2 từ một cửa hàng bán điện thoại thành một nền tảng của sự kết nối tuyệt đối. Showroom của hãng điện thoại O2 xây dựng một khu vực riêng với các chuyên gia của O2 luôn thường trực để hỗ trợ khách hàng mang tên Guru of O2.
Hãng quần áo bình dân nổi tiếng Uniqlo lại có một chiến lược khác. Mọi cửa hàng Uniqlo đều có một vẻ ngoài hiện đại và gọn gàng. Việc trưng bày sản phẩm từ sàn nhà đến trần nhà với màu sắc và cách sắp xếp bắt mắt mang đến cảm giác trong cửa hàng còn nhiều thứ đang ẩn giấu và chờ được khám phá. Những bức tường độc đáo với áo sweater cho nam, áo ba lỗ cho nữ và áo phông cho các bé được gấp gọn trong các ô vuông thẳng hàng đặt liền nhau tạo thành bảy sắc cầu vồng. Ở Uniqlo, người phụ trách trưng bày sản phẩm còn có tiếng nói quan trọng trong việc lên kế hoạch về sản phẩm. Họ sẽ làm việc với bộ phận sản xuất để quyết định số lượng sản phẩm từng giai đoạn và đảm bảo các ô vuông trong cửa hàng luôn được lấp đầy.
Nhắc đến thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới Tiffany’s, người ta sẽ nhớ ngay đến những cửa sổ trưng bày đẹp đến mê mẩn của họ
Visual merchandising dù hiện hữu hàng ngày nhưng không phải ai cũng hiểu hết khái niệm này. Các thương hiệu có thể sử dụng nó như một công cụ để thu hút khách hàng. Nếu làm khéo léo, VM không chỉ đẩy mạnh thương hiệu mà còn giúp các cửa hàng bán lẻ bán được nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn.
Bình luận
Bình luận của bạn